- Ban Muc Vu Thanh Nhac TGPLA

Go to content

Main menu:

MVTN_TGPLA
Dòng Trôi Lịch Sử TGPLA
Một dòng rẽ lịch sử….
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Người Việt Nam công giáo định cư tại Hoa Kỳ càng lúc càng nhiều.  Sự đóng góp tinh thần cũng như vật chất của người công giáo Việt Nam vào giáo hội địa phương mỗi ngày một phong phú.  Linh mục gốc Việt mỗi ngày một đông và nhiều cộng đoàn công giáo được thành lập tại các giáo phận có đông tín hữu người Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử trong cộng đồng người Việt công giáo tha hương, đức tin Kitô của chúng ta cũng như của các thế hệ con cháu sẽ luôn gắng liền với lịch sử thăng trầm với Giáo hội địa phương, vì vậy, chúng ta nên biết về lịch sử hình thành Tổng Giáo Phận Los Angeles để chúng ta cùng chung tay góp sức với tất cả các sắc dân trong TGP LA trong công việc duy trì, phát triển, bảo tồn Giáo Hội đang cưu mang chúng ta.

Từ quá khứ xa xăm...
Lịch sử của vùng đất Châu Mỹ đã tồn tại rất lâu nhưng nhân loại xem chuyến đi đầu tiên của ông Christopher Columbus vào năm 1492 là sự khởi đầu của thời kỳ khai hoang "Age of Discovery".  Nó cũng là cột mốc quan trọng của Đạo Công Giáo trong việc truyền giáo tại Châu Mỹ.  Hầu hết việc truyền giáo trên vùng đất khai hoang này nằm trên vai của các linh mục truyền giáo dòng Phan-xi-cô, dòng Đa minh (Dominico), và dòng Tên (Jesuit).  Trong thời điểm “Age of Discovery” Giáo hội đã thành lập một số giáo đoàn tại Châu Mỹ để loan báo Tin Mừng đến với người bản địa và từ đó lịch sử hình thành Tổng Giáo Phận Los Angeles được khơi nguồn cách đây đã gần 500 năm từ một vùng đất xa xôi của người thổ dân Tlaxcalan ở tận bang Tlaxcala của vùng đất Mexico ngày nay...

Vào ngày 13 tháng 10 năm 1525, Tòa Thánh thành lập giáo phận Tlaxcala tại vùng đất của người thổ dân Tlaxcalan.  Khi mới thành lập, giáo phận Tlaxcala nằm trực thuộc Tổng Giáo Phận Seville bên Tây Ban Nha.  Theo lịch sử Công giáo của nước Mexico, giáo phận Tlaxcala (giờ là Tổng giáo phận Puebla de los Angeles) là một trong hai giáo phận công giáo cổ nhất tại Mexico và cũng là giáo phận có niên đại lịch sử lâu nhất tại Châu Mỹ.

Vào thời điểm lịch sử và địa lý lúc đấy, hầu hết các phần đất của Châu Mỹ vẫn là vùng đất hoang sơ và dân sinh sống trên mảnh đất hoang sơ rộng lớn này thuộc về các bộ lạc hoặc vương quốc thổ dân.  Thời đó, đất đai của các bộ lạc hoặc vương quốc thổ dân không có vạch định ranh giới rỏ ràng, vì thế, khi những người phát hoang Tây Ban Nha đi đến đâu thi họ cắm dùi và xáp nhập vùng đất mới biết này vào nước Tân Tây Ban Nha, như vậy, diện tích địa lý của giáo phận trong vùng đất khai hoang này cũng được mở rộng theo.  Với sự phát triển và bành trướng đó, ngày 2 tháng 9 năm 1530, giáo phận Mexico được tách ra từ giáo phận Tlaxcala.

Gần sáu năm phát triển và mở rộng, ngày 11 tháng 8 năm 1536, giáo phận Michoacan được Tòa Thánh tách ra từ giáo phận Mexico.

Ngày 12 tháng 1 năm 1546, giáo phận Mexico được Tòa Thánh nâng lên hàng Tổng Giáo Phận chính tòa Mexico.  Từ đó các giáo phận thành lập nằm trong các vùng khai hoang của nước Tân Tây Ban Nha (kể cả vùng đất của Philippines) đều trực thuộc Tổng Giáo Phận Mexico chứ không còn lệ thuộc vào Tổng Giáo Phận Seville (Tây Ban Nha) như trước kia.

Khi các vùng đất xáp nhập vào giáo phận Michoacan (giờ là Tổng Giáo phận Morelia) mỗi ngày một rộng lớn thì vào ngày 13 tháng 7 năm 1548, giáo phận Guadalajara được tách ra từ giáo phận Michoacan.

Sau một thời gian dài củng cố và mở rộng địa lý, ngày 28 tháng 9 năm 1620, giáo phận Durango được Tòa Thánh tách ra từ giáo phận Guadalajara.

Hơn 150 năm sau, ngày 7 tháng 5 năm 1779, giáo phận Sonora (giờ là Tổng Giáo Phận Hermosillo) được tách ra từ giáo phận Durango.  Trong thời điểm này, vùng Alta "upper" California bị xáp nhập vào nước Tân Tây Ban Nha và vùng đất mới xáp nhập này thuộc về giáo phận Sonora.  Địa lý của vùng Alta California lúc đấy bao gồm các phần đất của California, Nevada, Arizona, Utah, vùng đất phía Tây Colorado và Đông-Nam Wyoming.

Khi 13 thuộc địa của nước Anh ở Bắc Mỹ đòi quyền tự trị và độc lập thì đã khai sinh nước Hòa Kỳ vào năm 1776.  Theo gương của Hoa Kỳ thì làn sóng nổi dậy đòi quyền độc lập và tự trị của các phần đất thuộc địa của Tây Ban Nha cũng như Bồ Đào Nha ở Châu Mỹ mỗi lúc một mạnh mẽ và đẫm máu.  Sau 11 năm đấu tranh với biết bao máu và nước mắt, ngày 24 tháng 8 năm 1821, Tây Ban Nha ký hiệp ước Cordoba, và Vương quốc Mễ Tây Cơ (Mexican Empire) chính thức trở thành một nước độc lập có biên giới phía Bắc bọc quanh phía Tây và phía Nam của Hoa Kỳ.

Ngày 27 tháng 4 năm 1840, giáo phận California (Two California) được tách ra từ giáo phận Sonora.  Đức cha Francisco Garcia Diego y Moreno là vị giám mục tiên khởi coi sóc giáo phận California cho đến khi ngài mất vào ngày 30 tháng 4 năm 1846.  Diện tích địa lý của giáo phận California lúc bấy giờ là một vùng đất rộng lớn bao gồm vùng Alta “upper” California và Baja “lower” California nhưng dân số rất thưa thớt.

Sau khi Bang Texas (thuộc vùng đất của nước Mexico) đòi tự trị và xáp nhập vào liên bang Hoa Kỳ để trở thành tiểu bang thứ 28 của liên bang vào ngày 29 tháng 12 năm 1845, thì sự rạng nức và va chạm vũ trang biên giới giữa Mỹ-Mexico bắt đầu xảy ra.   Chiến tranh Mỹ-Mexico bùng nổ vào ngày 25 tháng 4 năm 1846 cho đến ngày 2 tháng 2 năm 1848 thì Hòa ước Guadalupe Hidalgo buộc Vương quốc Mexico nhượng vùng đất Alta “upper” California và Neuvo (New) Mexico cho Hoa Kỳ với giá 15 triệu Mỹ Kim.

Ngày 20 tháng 11 năm 1849, giáo phận California được đổi tên thành giáo phận Monterey và Đức cha Joseph Sadoc Alemany y Conill là vị giám mục chăm sóc giáo phận Monterey.  Địa lý của giáo phận Monterey lúc này bao gồm vùng đất Alta “upper” California của Hoa Kỳ và vùng đất Baja “lower” California của Mexico.  Vào thời điểm lịch sử của Giáo Hội lúc này thì giáo phận Monterey vẫn trực thuộc Tổng Giáo Phận Mexico.

Ngày 9 tháng 9 năm 1850, California chính thức trở thành tiểu bang thứ 31 của liên bang Hoa Kỳ.  Ngày 21 tháng 12 năm 1851, vùng đất Baja “lower” California, tính từ biên giới Mỹ, được tách rời khỏi giáo phận Monterey và qui về Tổng Giáo Phận Mexico, từ đó, địa lý của giáo phận Montrey nằm gọn trong vùng đất của nước Hoa Kỳ nhưng giáo phận Monterey vẫn trực thuộc Tổng Giáo Phận Mexico.

Ngày 29 tháng 7 năm 1853, Tòa Thánh thiết lập Tổng Giáo Phận chánh tòa San Francisco tách ra từ giáo phận Monterey, và giáo phận Monterey được quy về trực thuộc Tổng Giáo Phận San Francisco của Hoa Kỳ chứ không còn trực thuộc Tổng Giáo Phận Mexico nữa.  Đức Cha Joseph Sadoc Alemany y Conill trở thành vị Tổng Giám Mục đầu tiên của Tổng Giáo Phận San Francisco.  Cha Thaddeus Amat y Brusi được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo Phận Monterey và tòa hành chánh của giáo phận được đặt tại thành phố Santa Barbara.

Khi dân số thành phố Los Angeles tăng mạnh và nền kinh tế cũng phát triển mạnh mẽ, ngày 7 tháng 7 năm 1859, Tòa Thánh đã đồng ý cho Đức cha Thaddeus Amat di dời tòa hành chánh của giáo phận từ Santa Babara về Los Angeles và giáo phận được đổi tên thành giáo phận Monterey-Los Angeles.  Địa lý của giáo phận Monterey-Los Angeles lúc bấy giờ bao gồm phân nữa bang California tính từ Hạt Monterey đổ xuống Nam.  Sau 5 năm xây dựng, ngày 30 tháng 4 năm 1876, nhà thờ chánh tòa Saint Vibiana nằm góc đường Main và đường số 2 được thánh hiến.  Từ đó thành phố Los Angeles trở thành trung tâm điều hành của giáo phận Monterey-Los Angeles.

Khi dân số người Công giáo nhập cư ở California mỗi ngày một tăng, ngày 1 tháng 6 năm 1922, giáo phận Monterey-Los Angeles được chia thành giáo phận Monterey-Fresno và giáo phận Los Angeles-San Diego.  Đức cha John Joseph Cantwell là vị giám mục đầu tiên của giáo phận Los Angeles-San Diego.

Ngày 11 tháng 7 năm 1936, giáo phận San Diego được Tòa Thánh tách ra từ giáo phận Los Angeles-San Diego.  Đồng thời giáo phận Los Angeles-San Diego được đổi tên và nâng thành Tổng Giáo Phận chính tòa Los Angeles.  Địa lý của Tổng Giáo Phận Los Angeles lúc này bao gồm Santa Barbara, Ventura, Los Angeles, và Orange County.  Đức cha John Joseph Cantwell trở thành vị Tổng Giám mục đầu tiên của Tổng Giáo Phận Los Angeles cho đến khi ngài mất vào ngày 30 tháng 10 năm 1947.

Ngày 24 tháng 3 năm 1976, Giáo phận Orange được tách từ Tổng Giáo Phận Los Angeles và địa lý hiện giờ của Tổng Giáo Phận gồm vùng đất của hạt Santa Barbara, Ventura, và Los Angeles County.  Các giáo phận trực thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles gồm có giáo phận Monterey, giáo phận Fresno, giáo phận San Bernadino, giáo Phận Orange, và Giáo phận San Diego.

Ngày 17 tháng 1 năm 1994 trận động đất “Northridge” với cường độ 6.7 đã gây thiệt hại cho nhà thờ chánh tòa Saint Vibiana cũng như nhiều công trình kiến trúc công cộng.   Tòa Tổng Giám Mục quyên tiền và xây lại một nhà thờ chánh tòa mới trong nội ô Thành phố.  Ngày 2 tháng 9 năm 2002, nhà thờ chánh tòa mới mang tước hiệu “Our Lady of the Angels” được thánh hiến với lễ nghi trọng thể và chính thức trở thành biểu tượng của Tổng Giáo Phận Los Angeles.

Tổng Giáo phận Los Angeles là một Tổng Giáo Phận được xây dựng và bồi đắp trong sự đa chủng, đa dạng, đa văn hóa và đa ngôn ngữ.  Vào mỗi Chúa Nhật chúng ta có ít nhất là 42 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trong các thánh lễ nằm rải rác khắp Tổng Giáo Phận Los Angeles.  Theo quy luật của giáo hội địa phương, người Việt Nam công giáo trong Tổng Giáo Phận Los Angeles chỉ có thể thành lập cộng đoàn công giáo Việt Nam nằm xen lẫn với các sắc dân của giáo xứ địa phương chứ không thể xây dựng một giáo xứ truyền thống Việt Nam.  Đây là một sự dể hiểu vì giáo hội là giáo hội chung, giáo xứ là giáo xứ chung và tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tuyệt đối chứ không ưu tiên cho một sắc dân nào hoặc một tầng lớp xã hội nào.  Hơn nữa, khi chúng ta cùng chia sẻ các sinh hoạt với nhiều sắc dân khác trong cùng một giáo xứ, chúng ta nhận thấy rằng sự bình đẳng giửa con người với nhau là sợi giây nối tất cả mọi sắc dân trong cùng một giáo xứ trong tinh thần đoàn kết, yêu thương.

Sau gần 5 thập niên tính từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, người công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Los Angeles đã gầy dựng được 16 cộng đoàn Việt Nam chính thức sử dụng ngôn ngữ Việt trong thánh lễ Chúa Nhật.  Theo thống kê, Cộng đồng Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Los Angeles có được 16 thánh lễ bằng tiếng Việt Nam trong ngày Chúa Nhật.  Dù chỉ có vỏn vẹn 17 thánh lễ nhưng tiếng Việt Nam lại là ngôn ngữ thịnh hành đứng hàng thứ tư sau các thánh lễ bằng tiếng Anh, tiếng Mễ (Spainish), và tiếng Tagalog (Philippine).

Cột mốc thành lập các cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Los Angeles được tóm tắc như sau:

Năm 1976, thành lập Cộng đoàn Phục Sinh tại Giáo xứ San Gabriel Mission-San Gabriel
Năm 1976, thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ Mông Triệu tại Giáo xứ Nativity Church-El Monte
Năm 1976, thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ Lộ Đức tại Giáo xứ St Finbar-Burbank
Năm 1976, thành lập Cộng đoàn Thánh Giuse tại Giáo xứ St Christopher Church-West Covina
Năm 1977, thành lập Cộng đoàn Thánh Tâm tại Giáo xứ Our Lady of Peace-North Hills
Năm 1978, thành lập Cộng đoàn Thánh Phêrô tại Giáo xứ St Catherine Laboure-Torrance.
Năm 1979, thành lập Cộng đoàn Thánh Lucy (Tên củ: Cộng đoàn Chúa Cứu Thế) tại Giáo xứ Saint Lucy-Long Beach
Nam 1979, thành lập Cộng đoàn An Phong tại Giáo xứ Sacred Heart-Altadena
Năm 1979, thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ Mân Côi tại Giáo xứ Our Lady of The Assumption-Claremont
Năm 1983, thành lập Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang tại Giáo xứ St Joseph the Worker-Winnetka
Năm 1983, thành lập Cộng đoàn Maria Nữ Vương tại Giáo xứ Regina-Gardena
Năm 1984, thành lập Cộng đoàn Thánh Phêrô Norwalk tại Giáo xứ St Pius X-Santa Fe Springs
Năm 1990, thành lập Cộng đoàn Nữ Vương Các Thiên Thần tại Giáo xứ Our Lady of Loretto-Los Angeles
Năm 1991, thành lập Cộng đoàn Thánh Gia Thất tại Giáo xứ St. Mary Magdalen Chapel-Camarillo
Năm 2012, thành lập Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo xứ Saint Anthony, San Gabriel
Năm 2016, thành lập Cộng đoàn Truyền Tin tại Giáo xứ Annuciation Church, Arcadia

Hình thành mỗi cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong TGPLA là công khó của các bậc tiền nhân. Giữ gìn và phát triển Cộng đoàn từ bây giờ cho đến mai sau là trách nhiệm của hậu sinh.  Ước mong mỗi người trong các cộng đoàn đều góp một bàn tay, với tất cả tấm lòng, luôn luôn tiếp sức cùng các Ban Trị Sự cũng như các ban ngành đoàn thể công giáo tiến hành. Với tất cả sự cộng tác nhiệt thành ấy, chắc chắn các cộng đoàn công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Los Angeles sẽ tiếp tục những bước đi vững chải và mạnh mẽ hơn.


Ban Mục Vụ Thánh Nhạc TGP LA
Nhiệm Kỳ 2014-2017 Sưu Tầm

 
Copyright 2018. All rights reserved.
Back to content | Back to main menu